CÂU HỎI :
Thầy cho con hỏi, nhiều người nói về tín ngưỡng Tứ Phủ mà con thực sự vẫn chưa hiểu rõ lắm về Tứ Phủ cụ thể là như nào ak?
Xin thầy giảng giải cho con với ak!
TRẢ LỜI:
Từ khai thiên lập địa, đấng Sáng Tạo Tối Cao tạo ra thiên, địa và thủy, nghĩa là trời, đất và nước. Khi xuất hiện các vong hồn luân chuyển, tiến hóa, tu tập trong các vùng nói trên, mới phân ra bộ máy quản lý điều hành, khuyến tu, giác ngộ giúp cho các vùng miền đó được yên ổn, phát triển, bởi vậy sinh ra Tam Phủ là phủ Thượng Thiên (một bộ phận nhỏ đại diện cho vùng Thiên – Trời) . Địa Phủ (một bộ phận nhỏ đại diện cho vùng Địa – Đất) và Thủy Phủ (một bộ phận nhỏ đại diện cho vùng Thủy – nước)
Vì vùng Địa có âm dương, phần dương là đồi cao, núi lớn, bình địa trập trùng. Phần âm là phần ở bên dưới mặt đất có long mạch, thủy mạch, thổ mạch, …. kiến tạo vật chất, bao bọc, nuôi dưỡng vạn vật. Nên sinh ra thêm một phủ nữa là Nhạc phủ (một bộ phận nhỏ đại diện cho vùng Rừng, núi). Từ đó khái niệm Tứ Phủ hình thành. Gồm Thiên phủ, Địa phủ, Nhạc phủ, Thủy phủ.
Tín ngưỡng tâm linh đối với con người được hình thành từ rất lâu đời. Nó xuất phát từ phong tục truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Niềm tin và đức tin của con người vào những vị thần, vị Thánh với quyền năng tối thượng thấu hiểu tâm can và niềm mong mỏi của con người. Từ việc kính cẩn lễ bái tôn thờ, được lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác tiếp nối nhau ngày một phát triển và lan rộng. Phát triển dần thành các thần tích có ý nghĩa, được lan truyền phổ biến trong cộng đồng. Nó tự nhiên hình thành các nghi lễ trang trọng chứa đựng mọi sự gửi gắm tâm sự, ước mong của nhân dân các tầng lớp trong xã hội. Dần dần có lề lối có quy củ rõ ràng theo xu hướng đề cao và ca ngợi tinh thần dân tộc vì vậy hình thành nên tín ngưỡng Tứ Phủ như ngày nay, lấy căn bản gốc rễ là từ đại diện cho bốn vùng miền như đã nói ở trên.
Tuy nhiên, vì Địa phủ liên quan tới phần âm, các vong linh vong hồn, là nơi tiếp nhận quá trình chuyển tiếp luân chuyển vong hồn từ dương gian tới âm phủ. Nên trong tín ngưỡng chỉ gồm ba phủ được thờ phụng là Thiên, Nhạc, Thủy, liên quan tới sự hình thành, tồn tại và phát triển trong đời sống hiện thực của con người. Từ đó hình thành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ gồm Mẫu Thượng Thiên (đệ nhất Thượng Thiên), Mẫu Thượng Ngàn (đệ nhị Thượng Ngàn), Mẫu Thoải phủ (đệ tam Thủy phủ).
Bởi vậy, trong tín ngưỡng Tứ Phủ sẽ có bốn phủ bao gồm:
1. Phủ Thượng Thiên
2. Phủ thượng Ngàn
3. Phủ Thoải (Thủy phủ)
4. Phủ Hành Sai (không phải là Địa phủ)
Phủ Hành Sai chính là Công Đồng Hành Sai gồm Ngũ Vị Hành Sai Tổng Binh Sứ Giả. Trong đó Phủ Khâm Sai dưới quyền Phủ Hành Sai.
Từ đây chúng ta hiểu rõ hơn về phân cấp của chư vị tiên thánh trong tín ngưỡng Tứ Phủ.
Một bên là Sơn Trang Chúa Tiên chủ quản Công Đồng Tam Phủ
Một bên là Quảng Lợi Thánh Tiên chủ quản Công Đồng Tứ Phủ (ngoài Tam phủ còn có thêm phủ Hành Sai)
Cho nên khi cúng khấn có câu ” Công Đồng Tam Tứ Phủ vạn linh” là theo lý này.
Văn khấn cũng có câu “Âm dữ Dương đồng” tức là trần sao âm vậy.
Nếu như bộ máy chính quyền nơi cõi trần cần phải có Bộ Công An để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, thực thi pháp luật, bắt giam, xét xử tội phạm…thì bộ máy chính quyền trong tín ngưỡng Tứ Phủ phải có Phủ Hành Sai để thừa hành sắc lệnh, chỉ dụ, thưởng thiện, phạt ác, bắt giữ, tiêu diệt….
Tín ngưỡng Tứ Phủ là trung tâm tín ngưỡng linh thiêng của Việt Nam, nơi mà người dân có thể tụ họp để cầu nguyện, tế lễ và thực hiện các nghi lễ tâm linh. Nghi lễ thường bao gồm các hoạt động trong thực hành tín ngưỡng như hát văn, hầu đồng và các lễ hội đặc sắc khác gắn liền với phong tục tập quán vùng miền. Những hoạt động này không chỉ thể hiện lòng tôn kính đối với các vị thần mà còn góp phần bảo tồn và phát triển di sản văn hóa tâm linh phi vật thể của người Việt.