Mỗi tôn giáo có một cách nhìn nhận riêng về thế giới siêu hình. Tuy cùng một sự vật và hiện tượng nhưng cách hiểu và giải thích lại khác nhau. Bởi vậy, khái niệm về Tam Giới, Lục Đạo nêu ra dưới đây nằm trong phạm vi nhỏ hẹp của một tôn giáo hoặc một tín ngưỡng. Nó không phải là kiến thức phổ thông chuẩn mực được áp dụng trên toàn thế giới cho hết thảy các tôn giáo khác. Tam giới là khái niệm chỉ bên phật giáo mới dùng, bao gồm Sắc giới, Vô Sắc giới và Dục giới. Dục giới tức là nơi con người sinh sống. Ở đây có hoạt động sinh sản hữu tính, thông qua kết đôi, giao phối để duy trì giống nòi và phát triển, tiến hóa. Vô sắc giới: Đạo phật quan niệm rằng khi tinh khí thần tiệt diệt, sự sống tiêu vong thì chuyển sang một trạng thái mới đó là vong hồn. Ngoài ra còn có các thể loại yêu ma quỷ quái, tà tinh yêu thần, hiện hữu do nhiều nguyên nhân. Các thành phần nói trên tồn tại trong thế giới chỉ có ánh sáng mờ ảo như ánh sáng trăng non trong màn đêm đen ở cõi Dục giới, bởi vậy gọi là U Minh giới hay là Vô Sắc giới. Sắc giới: Chư vị thánh thần, Phật, Bồ Tát vì tu tập đạt tới quả vị cao, nên ở trong thế giới mà mọi thứ vật chất đều thanh tịnh, quý báu, phát ra ánh sáng rực rỡ huy hoàng, tiên cảnh nguy nga tráng lệ đẹp như tranh vẽ (xem thêm trong kinh A Di Đà sẽ rõ), bởi vậy gọi là Sắc giới. Lục Đạo là gì? Lục đạo là 6 nẻo đường dẫn tới 6 cõi luân chuyển trong siêu hình và khái niệm này chỉ có tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ hay đạo Tứ Phủ mới dùng. Các cõi đó gồm có 1. Cõi Tiên 2. Cõi Tu Hành 3. Cõi Dục Giới 4. cõi Vong Giới 5. Cõi Ngạ Quỷ 6. Cõi Súc sinh. Nguồn gốc của lục đạo chúng ta không bàn đến vì nó thuộc sự sáng tạo mặc định của “Đấng Tối Cao” là đức Thiên Phụ, đức Địa Mẫu. Cũng giống việc con người khi sinh ra nhất định trên mỗi bàn tay phải có năm ngón, tuy có ngón dài ngón ngắn nhưng chúng lại phải phụ thuộc, hỗ trợ tác động lẫn nhau. 1. Cõi Tiên: gồm chư Tiên, chư Thánh, trực tiếp tác động và quản lý các cõi dưới. Đây là nơi Chư vị tu tập theo đạo Thái Cực để tiếp tục luân chuyển lên cao hơn nữa. 2. Cõi Tu Hành: là nơi Chư vị tu tập theo Phật giáo hoặc tất cả các tôn giáo khác như : Công giáo, Cao Đài, Tin Lành…. 3. Cõi Dục Giới: là nơi con người sinh sống, cùng tồn tại với các loài động vật, sinh vật... Cõi này có đặc điểm duy trì sự phát sinh, phát triển thông qua hình thức kết đôi, giao phối, sinh sản hữu tính hoặc vô tính. Đây là nơi trung chuyển của vong linh để rèn luyện, học tập, mục đích thi hành một sứ mạng mà “bề trên” giao phó hoặc tu sửa bản thân thông qua kết quả duyên nghiệp được định nghiệp luân hồi. Chư vị Tiên Thánh không bao giờ luân hồi vào cõi Dục Giới mà được Đấng Tối Cao sáng tạo ra ngay từ thuở khai thiên lập địa ở Cõi Tiên. Tuy nhiên, không phải tất cả các vị thánh đều có nguồn gốc như vậy. Cũng có những vong nhân xuất thân từ cõi Vong Giới trải qua tu tập đạo học, công đức ngàn năm, công phu vạn kiếp mà trở thành thánh, thần. 4. Cõi Vong Giới: cõi này rất đa dạng và phức tạp gồm các thành phần: 4.1. Chư vị Thánh, Thần, Nhân thần 4.2. Chư vong linh 4.3 Cô Hồn chúng sinh (gọi là Giới Cô Hồn) 4.4. Các loại tinh thú (gọi là Giới Tinh Thú) 4.4. Các loài yêu ma, yêu quái, yêu tinh, yêu bay (nếu có) và quỷ, dưới sự quản lý của Ma Vương cầm đầu Ma Giới. 4.5. Các loại tà tinh, yêu thần, tà thần, giả tiên, giả thánh, giả phật, giả thần đều do Quỷ Vương quản lý cầm đầu Giới Quỷ. Các thành phần hắc ám thuộc thế lực của Ma Vương, Quỷ Vương hoạt động theo khu vực riêng và có chủ quyền riêng rất khó tiếp cận, nắm bắt và quản lý. Bởi vậy những quy định hay luật lệ của siêu hình hầu như ít ảnh hưởng đến chúng. Tuy nhiên chúng cũng không dám công khai chống đối hoặc làm trái giới luật. 5. Cõi Ngạ Quỷ: gồm các giống quỷ to nhỏ lớn bé khác nhau, đầu xanh, đầu trắng, có răng nanh, hình dạng quái dị và có cả những vong hồn phạm tội bị đẩy vào cõi này làm kiếp quỷ. 6. Cõi Súc sinh: gồm tất cả các loại súc vật, gia cầm, thủy cầm và có những vong hồn phạm tội bị đẩy vào cõi này làm kiếp súc sinh (vong hồn cộng sinh với loài vật chủ). PHÚC TÂM PHÁP SƯ
Trước con luôn thắc mắc cõi tu hành là khái niệm 1 trong các cõi của đạo mẫu. Nhưng cõi tu hành lại bao gồm cả đạo phật. Mà rõ là đạo phật và đạo mẫu là hai đạo khác nhau. Giờ con đọc lại mới hiểu là con đã hiểu sai nên thắc mắc mãi mà vẫn không tìm ra. Cứ loanh quanh luẩn quẩn mà bây giờ con mới hiểu " cõi tu hành là nơi chư vị tu tập theo các đạo...." vậy mấu chốt chỉ ở có 4 từ " chư vị tu tập". Đây chính là lý do mà sao đọc đi đọc lại bài giảng của Thầy con vẫn thấy có kiến thức mới. Bài giảng của Thầy phải hiểu từng từ từng câu chữ mới hết được nghĩa chứ đọc qua 1 lượt hay nghe qua 1 lần thì chỉ gọi là biết đến thôi. Con cảm ơn Thầy đã chỉ dậy chúng con ạ
Thưa Thầy, con vẫn chưa phân biệt được Chư Thánh thuộc cõi tiên và Chư vị Thánh thuộc cõi vong giới ạ? Con kính xin Thầy và các anh chị chỉ dạy!
Trò còn cần phải học tập rất nhiều nữa mới có thể hiểu được nhiều vấn đề trong bài giảng. Hiểu như thế này: Cõi Tiên là cõi rất cao. Cõi Vong Giới là cõi thấp. Trong cõi nào cũng có sự tu tập và rèn luyện phù hợp với cõi giới của mình. Cõi Tiên có chư vị tu tập đạt tới quả vị là Tiên, Thánh, thì ở cõi Vong Giới cũng có chư vị tu tập đạt tới quả vị Tiên, Thánh như vậy. Nhưng quả vị đó ở hai cõi là hoàn toàn khác nhau. Quả vị Thánh ở cõi Vong Giới khác với quả vị Thánh ở cõi Tiên. Nó giống như ở cõi Dục Giới (cõi mà chúng ta đang sống) thì quốc gia Mỹ và quốc gia Lào là hoàn toàn khác nhau. Cho nên tuy cùng một học hàm mà vị giáo sư tại Mỹ hoàn toàn khác vị giáo sư tại Lào.