CÂU HỎI:
Cháu nghe nói ngày vía của Quan Lớn Tuần Tranh, ngày khánh đản của Quan Hoàng Mười, …vào những ngày đó nếu đi lễ bái cầu khẩn thánh thần thì làm mọi việc sẽ hanh thông thuận lợi, đặc biệt những người căn quả (thanh đồng) mà làm nghề buôn bán thì đắc tài sai lộc
Thưa bác Phúc Tâm và mọi người sao lại gọi là ngày vía, ngày đản ạ, ý nghĩa của ngày đó là gì ạ và có phải là vào ngày đó nếu sắm lễ tươm tất cầu khẩn thánh thần, thì sẽ được nhà ngài quan tâm và có nhiều may mắn tài lộc hơn không ak?
TRẢ LỜI:
Con người có nam có nữ, vong hồn/linh hồn cũng có nữ có nam. Vong là nam có tam hồn thất phách. Vong là nữ có tam hồn cửu phách.
Khi linh hồn hội nhập vào xác thân vật lý thì hồn phách hợp nhất, thể hồn chủ về tinh thần và ý niệm; thể phách (còn gọi là thể vía) chủ về vật chất và sự cảm nhận.
Khi con người thọ dương đã tận thì thể hồn và thể vía (phách) sẽ thoát ra khỏi thân thể để hợp nhất thành một khối năng lực đặc biệt gọi là linh hồn,
và tiếp tục tồn tại trong một dạng sống khác, trong một không gian khác, tiếp tục du hành trải nghiệm trên con đường duyên, nghiệp, cho đến khi nào hoàn toàn thoát khỏi vòng định nghiệp luân hồi.
Khi đó con người trong thể xác vật lý sẽ không còn cảm nhận được gì nữa vì thể vía đã mất (toàn thân lạnh ngắt, sự sống tiệt diệt) và chúng ta thường gọi cái ngày mà con người chính thức ngừng thở, đoạn tuyệt cuộc sống là ngày hóa kỵ, hoặc ngày giỗ, … nhưng cách gọi đối với những bậc chân tu đắc đạo hiển thần, hiển thánh … thì đó gọi là ngày vía, vậy ta hiểu ngày vía chính là ngày mất, ngày hóa kỵ.
Ngoài ra, vào thời điểm một sinh linh được tạo ra, ngày đó là một điểm mốc đánh dấu sự bắt đầu hiện diện và tồn tại ở cõi giới, chúng ta gọi đó là ngày sinh nhật, còn trong cách nói thông dụng đối với những bậc tiên, thánh, phật, thần thì gọi là ngày đản sinh hoặc là ngày khánh đản.
Người mang nghiệp tu, người có căn quả, người là thanh đồng, thì luôn phải giữ cho mình cái tâm thiện lương trong sáng, ý chí kiên định, không được mưu cầu lợi ích, tính toán vụ lợi và điều kiện trong việc tôn nghiêm phụng sự chư vị tiên thánh phật thần. Thành tâm phải đi với thành kính, luôn cúc cung tận tụy như sự hiếu thảo, hiếu kính của người con đối với cha mẹ, không bao giờ yêu cầu, đòi hỏi, trao đổi, cho đến khi cha mẹ nhận thấy người con của mình đủ điều kiện và xứng đáng để được nhận hưởng những gì gọi là phước đức, thiên lộc, khi đó gọi là tới thời điểm và đủ duyên. Tự nhiên thiện duyên tăng trưởng, không cầu mà được, chẳng phải ước cũng thấy.