Tâm sự - Chia sẻ
1
Bài viết
1
Thành viên
1
Reactions
214
Lượt xem
Người bắt đầu chủ đề 03/05/2024 4:16 chiều
Trước đây, khi bước chân vào Chùa - chốn thâm nghiêm, u hoài; như mọi người tôi cũng lặng lẽ, thành kính, đi đặt tiền lễ khắp các ban thờ lớn lớn nhỏ, rồi khấn cầu những điều ấp ủ trong lòng.
Phần đông dân chúng, trong tư duy và tiềm thức luôn nghĩ rằng đi lễ chùa càng nhiều, cúng lễ thật nhiều, công đức, bố thí không tính toán thì cuộc đời sẽ gặp được nhiều điều tốt lành. Tất cả đều theo phong trào, và tự hào, hãnh diện, cảm thấy mình hạnh phúc lớn lao khi đã làm từ thiện, góp chút công sức vào để tu bổ xây chùa…
Nay có được kiến thức tâm linh, tôi mới thấy việc làm của mình không ổn chút nào. Đi nhiều, lễ lắm, không phải là tốt. Công đức nhiều mà không đúng cách cũng chẳng nên thành quả gì. Giờ tôi mới hiểu ý nghĩa của câu "Phật tại Tâm" .
Có đi mới thấy, bên cạnh những ngôi chùa, nhà sư, vị trụ trì còn giữ tâm đạo, góp phần gìn giữ chốn thiền môn thanh tịnh, thì nhiều chùa xây dựng to lớn, lộng lẫy, rộng đẹp, nguy nga, tráng lệ. Tượng Phật thì cao như núi cao đứng sừng sững, gương mặt bình thản nhìn xuống dòng người đi lễ đông như nêm, như đi trẩy hội, đi quanh năm suốt tháng.
Có nhiều nơi chốn thiền tự giờ không giống ngày xưa. Các nhà chùa thay vì giảng pháp, định hướng tâm linh đúng đắn, thì nay chiều theo nhu cầu thị hiếu của nhân dân cũng làm Phật sự nhiều như: cúng sao, giải hạn, hộ niệm, chạy đàn, giải oan, cắt kết, thỉnh vong, bắt trùng, bắt ma, phả độ gia tiên, cầu siêu, phá ngục, giải oan gia trái chủ, tiền duyên.. liên tục, liên tục không ngừng nghỉ.
Có nhà chùa bắt tay với doanh nghiệp xây dựng tu bổ các hạng mục rất kĩ càng, biến nhà chùa thành chốn “kinh doanh” hợp pháp, với lãi ròng thu về vô kì hạn và lớn tới mức không có bất cứ ngành kinh doanh buôn bán nào có thể lãi và an toàn như thế . Nó không giống như triết lý kinh doanh thông thường "Lợi nhuận càng cao, rủi ro càng lớn"
Việc truyền pháp cũng mỗi chùa mỗi khác. Kinh pháp thì mỗi thầy giảng mỗi kiểu. Các nhà sư trụ trì chùa làng, chùa huyện, chùa phố nhưng không hẳn đã hiểu sâu, thấu đáo về chân gốc Pháp, Phật. Có nhà sư quay lại quay về cách tu hành khổ hạnh, học theo kinh sách cách đây hơn 2500 năm. Có nhà sư dùng truyền thông khuếch trương thanh thế. Có nhà sư mặc dù xuất gia tu hành nhưng thực hành lại không đúng phép tắc lề lối của đạo, để lại sự nghi ngại trong dân chúng về sự thoái hóa, xuống cấp về tôn giáo mà họ đang tin theo, đang tôn thờ.
Cả nước có đến mấy chục ngàn ngôi chùa, chùa sau cứ to hơn chùa trước. Tượng phật sau thì ngày càng được làm to lớn đồ sộ hơn tượng phật trước, thậm chí đứng ở cách xa cả chục cây số còn nhìn thấy. Tuy nhiên, trái với sự hoằng dương đạo pháp, đạo đức con người trong xã hội thì lại ngày càng thoái hóa, biến chất, xuống cấp nghiêm trọng. Những vụ án kinh dị tưởng chừng chỉ có ở trong tiểu thuyết, thì nay xuất hiện nhiều ngoài đời thường.
Giờ tôi mới thấy lời thầy Phúc Tâm nói trước đây thật là sâu sắc : "Khi nào các tôn giáo trên thế giới này không còn tồn tại, thì đó chính là lúc loài người có trí tuệ đạt tới đỉnh cao".
Yen Binh reacted