Ưu điểm của rượu thuốc là chắt lọc được tinh chất, bảo quản thuốc được lâu và khử bớt độ độc của rượu. Thuốc để ngâm thường là thuốc bổ, có tác dụng nâng cao thể trạng, kích thích tiêu hóa an thần, nhuận tràng, chữa các chứng đau mỏi do phong hàn, phong thấp. Tuy nhiên, những người âm hư hỏa vượng không nên dùng các loại thuốc này.
Sau đây là một số bài thuốc ngâm rượu thông dụng:
Bài 1. Nâng cao thể trạng, giúp ăn ngon, chữa mất ngủ, mệt mỏi
- Đẳng sâm, Hoàng kỳ, Bạch truật, Đương quy : mỗi thứ 60 g.
(Sâm, Kỳ, Quy, Truật)
- Cam thảo, xuyên khung, Ích trí nhân, Sa nhân, Trần bì, Chỉ xác : mỗi thứ 20 g.
- Mạch môn, Sa sâm, Câu kỷ tử, Đỗ trọng, Tục đoạn, Ba kích, Táo nhân: mỗi thứ 30 g.
- Thục địa 120 g, Bạch thược 40 g, Long nhãn 50 g, Đại táo 100 g.
Bài 2. Chữa đau nhức khớp, đau lưng, đau dây thần kinh
- Độc hoạt, Phòng phong, Kê huyết đằng, Đan sâm, Xuyên khung, Bạch phục linh: mỗi thứ 30 g.
- Tần giao, Bạch thược, Đỗ trọng, Tục đoạn, Ba kích: mỗi thứ 40 g.
- Sa nhân, Nhục quế, Cam thảo, Tế tân : mỗi thứ 20 g.
- Ngũ gia bì, Ngưu tất : mỗi thứ 50 g;
- Đương quy, Đẳng sâm: mỗi thứ 60 g;
- Thục địa 100 g.
Bài 3. Chữa hiếm muộn, yếu sinh lý
- Nhân sâm, Đương quy : mỗi thứ 60 g.
- Bạch truật, Bạch thược, Tục đoạn: mỗi thứ 40 g.
- Thục địa, Long nhãn, Dâm dương hoắc, Đại táo, Cao sơn dương, Lộc giác giao: mỗi thứ 100 g.
- Ngưu tất, Câu kỷ tử, Đỗ trọng: mỗi thứ 30 g.
- Bạch phục linh 20 g, Táo nhân : 50 g.
Cách ngâm:
Các vị thuốc rửa qua bằng nước ấm, cho vào bình có dung tích 7-10 lít.
Đổ 3 lít rượu cho ngập thuốc; sau vài ngày, rượu ngấm vào thuốc thì đổ thêm vào 2 lít nữa.
Ngâm trong 30 ngày thì dùng.
Liều dùng: Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 1 chén con khoảng 30 ml, uống trước bữa ăn.
Nguồn tài liệu : Những bài thuốc gia truyền giá trị