HỎI:
Con nghe nói trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có tứ bất tử. Vậy gồm những vị nào và có xếp thứ tự cao thấp gì không ak?
TRẢ LỜI:
Tứ bất tử trong tín ngưỡng dân gian của Việt Nam gồm bốn người:
1. Mẫu Liễu Hạnh
2. Chử Đồng Tử
3. Tản Viên Sơn Thần
4. Thánh Gióng (Phù Đổng Thiên Vương)
Về thứ tự trên dưới có thể theo lý luận sau:
Con người ai cũng được sinh ra bởi người mẹ, nghĩa là phải có gốc tích cội nguồn, đó là quy luật của tự nhiên, quy luật của muôn đời trong cõi Dục Giới này. Phải có con người mới sinh ra các đạo lý, sinh ra tín ngưỡng, tôn giáo, thánh nhân…và nhiều vấn đề khác trong đời sống xã hội.
Bởi vậy hình tượng người mẹ rất thiêng liêng, cao cả, cho nên thần tích đề cử Mẫu Liễu Hạnh là người đứng đầu trong tứ bất tử.
Là con người thì phải có tâm từ bi, bác ái, tức là tư tưởng và ý niệm, tâm trí và suy nghĩ phải lương thiện thì hành động mới chính đáng, tốt lành, đem lại ích lợi ban bố rộng khắp khiến cho quốc thái dân an, nhân gian hạnh phúc. Do đó truyền thuyết về Chử Đồng Tử thể hiện về tâm đạo và vị này đứng thứ hai sau Mẫu Liễu Hạnh
Có tâm nhưng phải có tầm, tức là phải có trí tuệ và năng lực mới chiến thắng được vô minh, không bị ngã lòng rối trí, không nao núng tinh thần trước thế lực gian hùng. Truyền thuyết về Thánh Tản Viên mang đến thông điệp cho chúng ta thấy rõ ràng điều này và như vậy vị trí thứ ba chính là Tản Viên Sơn Thần.
Có tầm, có hiếu, có nghĩa thì mới trở thành anh hùng hào kiệt sẵn sàng xả thân vì dân, vì nước. Do đó truyền thuyết về Thánh Gióng là vị tứ bất tử đứng ở sau cùng.
Con cảm ơn thầy đã giảng giải ak.